Ở người cao tuổi có nguy cơ bị bệnh lý tuyến giáp cao gấp hai lần ở người trẻ tuổi. Điều đặc biệt là do các triệu chứng của bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp lại dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác hay gặp ở người cao tuổi vì vậy ở người cao tuổi nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng bệnh.

Các bệnh lý ở tuyến giáp thường gặp ở người cao tuổi bao gồm:

Suy giáp

Có nhiều nguyên nhân gây ra suy giảm chức năng tuyến giáp ở người già. Suy tuyến giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân thường gặp nhất. Đây là một bệnh có tính chất tự miễn dịch hay cơ thể tự sản xuất ra kháng thể kháng lại các tế bào tuyến giáp. Bệnh này có thể xuất hiện sau một nhiễm vi khuẩn hoặc virut và trong nhiều trường hợp là không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ hai cũng rất hay gặp đó là suy tuyến giáp do dùng thuốc kháng giáp tổng hợp ở những bệnh nhân bị cường tuyến giáp. Thuốc kháng giáp trạng có tác dụng khống chế việc sản xuất quá nhiều hormon tuyến giáp ở những bệnh nhân cường giáp nhưng nếu dùng quá liều và không được kiểm soát lại có thể gây suy tuyến giáp.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp một phần hoặc toàn bộ trong bệnh basedow hoặc ung thư tuyến giáp… cũng là nguyên nhân gây suy tuyến giáp. Xạ trị vùng đầu mặt cổ (như trong bệnh ung thư vòm họng) có thể làm tuyến giáp bị tổn thương và dẫn đến suy giảm chức năng. Tuyến giáp cũng có thể bị suy giảm chức năng khi dùng một số thuốc như amiodarone, lithium, interferon… kéo dài hoặc quá liều.

Ngoài ra, chế độ ăn thiếu iod kéo dài có thể gây suy tuyến giáp, trái lại việc đưa quá nhiều iod vào cơ thể lại cũng làm tuyến giáp bị giảm chức năng. Tuyến giáp hoạt động được là nhờ hormon kích giáp tố do tuyến yên sản xuất ra nên khi lượng kích giáp tố bị suy giảm do suy tuyến yên (do ung thư, do bệnh mạch máu…) thì tuyến giáp cũng bị suy theo và lượng hormon tiết ra sẽ giảm. Ngoài ra, suy tuyến giáp ở người già cũng gặp ở bệnh nhân xơ cứng bì, bệnh amyloidosis hoặc một số trường hợp bệnh lý khác gây tổn thương tuyến giáp.

Bệnh không có biểu hiện đặc hiệu nên khó chẩn đoán. Nhiều rối loạn của bệnh nhân suy giáp cũng có ở người bình thường như mệt mỏi, sợ lạnh, táo bón hoặc rối loạn tâm thần... Một số trường hợp bị chẩn đoán nhầm do bệnh nhân suy giáp thường có các biểu hiện nổi trội về tim mạch (như suy tim hoặc đau thắt ngực), thần kinh (giảm trí nhớ, lẫn lộn, trầm cảm). Thậm chí một số bệnh nhân cao tuổi đi khám vì có rối loạn mỡ máu nặng; sau khi xét nghiệm mới được phát hiện suy giáp. Ngay cả khi khám, bác sĩ cũng rất khó phát hiện những triệu chứng đặc hiệu của bệnh suy giáp như phù mặt, giảm phản xạ gân xương hoặc phù niêm ở cẳng chân.

Để điều trị, phải bổ sung nội tiết tố tuyến giáp (L-thyroxin) với liều giảm dần theo tuổi. Nên bắt đầu dùng liều thấp và tăng liều từ từ, đặc biệt là ở các bệnh nhân có triệu chứng hoặc bị bệnh tim mạch. Điều trị liều quá cao dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như loãng xương, loạn nhịp tim hay cơn đau thắt ngực.

Cường giáp

Đây là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất ra quá nhiều nội tiết tố tuyến giáp. Tuổi càng cao, nguy cơ cường giáp do bệnh Basedow giảm xuống (tuy vẫn là nguyên nhân chủ yếu) nhưng tỷ lệ cường giáp do bướu nhân tuyến giáp lại tăng. Các triệu chứng thường gặp là loạn nhịp tim, suy tim, cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim; mệt mỏi, vô cảm - lãnh đạm, trầm cảm, lú lẫn. Bệnh nhân thường bị yếu cơ, teo cơ, nhất là ở các cơ gốc chi nên dễ bị ngã. Đôi khi người bệnh cũng có các triệu chứng về tiêu hóa như táo bón, chán ăn và gầy sút.

Các triệu chứng này gần như khác hẳn ở bệnh nhân trẻ tuổi (ăn thấy ngon miệng, ăn nhiều hơn và thường bị tiêu chảy). Đặc biệt, ở bệnh nhân trẻ tuổi thường có dấu hiệu bướu giáp to hay gây chèn ép các phần khác ở cổ (nhiều bệnh nhân có thể tự phát hiện được). Còn ở người cao tuổi, tuyến giáp có thể không to (thầy thuốc không sờ thấy ở 2/3 số bệnh nhân), các dấu hiệu về mắt như co kéo cơ mi trên, lồi mắt cũng ít gặp hơn.

Bệnh được điều trị bằng nhiều cách: dùng thuốc, iode phóng xạ, phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc cắt nhân tuyến giáp... Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp.

Bướu đa nhân tuyến giáp

Trong lòng tuyến giáp của người bệnh xuất hiện một số nhân (thường là 3-4 nhân). Đó là các vùng bị thay đổi cấu trúc và có thể thay đổi cả chức năng tiết nội tiết tố tuyến giáp (tăng, giảm hoặc hoàn toàn không tiết). Có nhiều trường hợp bướu giáp to rõ rệt, tuy nhiên nếu bướu không gây chèn ép và xét nghiệm thấy chức năng tuyến giáp bình thường thì chỉ cần theo dõi, không nên can thiệp gì. Việc dùng nội tiết tố tuyến giáp L-tyroxin rất hiếm khi làm tuyến giáp nhỏ đi, hơn nữa lại có nhiều nguy cơ nên ít được sử dụng. Còn nếu bướu quá to, gây khó nuốt hoặc khó thở thì có thể phẫu thuật cắt bớt một phần bướu giáp.

Bướu đa nhân tuyến giáp đa số là lành tính, rất hiếm khi tiến triển thành ung thư.

Bướu đơn nhân tuyến giáp và ung thư

Bệnh hay gặp ở phụ nữ. Xét nghiệm tế bào cho thấy khoảng 90% các nhân này là lành tính, đa số không cần điều trị, chỉ theo dõi là đủ. Trong các ca ác tính, tiên lượng thường xấu và nặng hơn nhiều so với người trẻ tuổi; mức độ ác tính có liên quan trực tiếp với type ung thư cũng như kích thước nhân ung thư. Khi đã chẩn đoán là ung thư, có thể áp dụng các biện pháp điều trị giống như người trẻ tuổi. Một số bệnh nhân nếu được phát hiện và mổ sớm, lấy hết khối u sẽ cho kết quả tốt, người bệnh có thể sống gần như bình thường.

Để được tư vấn về các bệnh lý tuyến giáp, vui lòng liên hệ tổng đài:  0902207582 (ZALO/VIBER).