Viêm tuyến giáp tự miễn là bệnh trong đó cơ thể coi tuyến giáp hay các sản phẩm hormon của nó (T3, T4 và TSH) là các kháng nguyên, do đó cơ thể tự sản xuất ra các kháng thể phá hủy tế bào tuyến giáp.
Năm 1912 Hashimoto (Nhật Bản) đã mô tả hình ảnh lâm sàng và giải phẫu bệnh này, nên bệnh được mang tên ông. Người mắc bệnh Hashimoto thường gặp là những phụ nữ trung niên, có bướu cổ to. Năm 1956 Doniach và cộng sự đã phát hiện trong huyết thanh người bệnh có tự kháng thể kháng tuyến giáp, do đó bệnh còn được mang tên là viêm tuyến giáp tự miễn.
Tuyến giáp bị hủy hoại như thế nào?
Bệnh do cơ thể sản sinh ra các tự kháng thể chống lại tổ chức tuyến giáp của bản thân mình, hủy hoại tổ chức tuyến. Các tự kháng nguyên của tuyến giáp đã xác định được 3 loại là thyreoglobulin, kháng nguyên microsom, kháng nguyên keo thứ hai. Các kháng thể phản ứng với các kháng nguyên này cũng là tự kháng thể. Các tự kháng thể này được tạo nên do các tế bào lympho và plasmocyt có chức năng miễn dịch khi chúng xâm nhập vào tuyến giáp.
Bình thường, các tự kháng nguyên của tuyến giáp biệt lập với các cơ quan có chức năng miễn dịch, nên không có hiện tượng hình thành tự kháng thể. Nhưng khi tuyến giáp bị tổn thương, các tự kháng nguyên xuất hiện trong máu kích thích cơ thể sinh ra các tự kháng thể. Người ta cho rằng sự tổn thương tế bào tuyến giáp do biến đổi di truyền về tính dung nạp miễn dịch khi tuyến giáp bị kích thích bởi những yếu tố môi trường hay nhiễm khuẩn. Các tự kháng thể này không tác động đối với các tế bào nguyên vẹn, nhưng chúng lại phá hủy màng của những tế bào bị tổn thương. Khi tế bào bị tổn thương lại giải phóng kháng nguyên có tác dụng kích thích tạo kháng thể. Quá trình này tạo ra vòng xoắn bệnh lý diễn ra liên tục, phá hoại dần tuyến giáp. Do tuyến giáp bị hủy hoại dần, làm suy giảm chức năng tổng hợp hormon dẫn đến nồng độ T3, T4 trong máu thấp, từ đó kích thích tuyến yên tăng tiết TSH, dưới tác dụng kích thích của TSH, tuyến giáp sẽ phì đại ra, gây bướu cổ to.
Dấu hiệu để phát hiện ra bệnh là gì?
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là bướu tuyến giáp dần dần to, kèm theo là các triệu chứng mệt mỏi, làm việc chóng mệt, đau đầu. Nhưng do các triệu chứng này không xảy ra thường xuyên, bệnh nhân cũng ít chú ý nên không đi khám bệnh. Thời kỳ này thấy một bướu cổ lan toả, sờ thấy khi nuốt, không dính vào tổ chức xung quanh, mật độ chắc, cứng, mặt tuyến bằng phẳng hoặc hơi gồ. Có thể bệnh nhân bị đau khi sờ vào tuyến giáp.
Sau một thời gian bệnh phát triển, bướu càng rắn, một số trường hợp xuất hiện triệu chứng suy chức năng tuyến giáp như: mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động, giảm trí nhớ, da khô, phù nhẹ hai mí mắt, nhịp tim có xu hướng chậm dần. Bướu tuyến giáp to lan toả, có thể không đối xứng, bướu cứng không dính vào da. Nếu bướu to chèn ép vào khí quản gây cảm giác như nghẹn, ho khan. Các hạch bạch huyết quanh tuyến giáp hơi to, mật độ bình thường. Sự rối loạn tự miễn dịch trong tuyến giáp ngày càng tăng, các triệu chứng suy chức năng tuyến giáp biểu hiện ngày một rõ hơn: bệnh nhân uể oải, buồn ngủ, nói năng chậm chạp, trí nhớ lẫn lộn, phù mặt và hai chi, tăng cân, rụng tóc. Bướu to chèn ép vào khí quản làm bệnh nhân bị biến đổi giọng nói. Da khô, nhịp tim chậm, tiếng tim mờ. Trường hợp bệnh tiến triển chậm thì các triệu chứng suy chức năng tuyến giáp không rõ hoặc không có, chức năng tuyến giáp được bù trong thời gian dài. Trên thực tế nhiều trường hợp bệnh diễn biến rất đa dạng, phối hợp với các rối loạn bệnh lý khác. Vì vậy người ta chia ra 5 thể lâm sàng không điển hình như sau: một là bệnh Hashimoto có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc hormon tuyến giáp. Hai là bệnh có triệu chứng viêm tuyến giáp bán cấp ở thời kỳ đầu. Ba là bệnh đồng thời với tổn thương tự miễn của tuyến giáp lạc chỗ. Bốn là bệnh Hashimoto kết hợp với adenoma tuyến giáp. Năm là bệnh kết hợp với suy chức năng vỏ thượng thận (hội chứng Smite).
Chữa bệnh ra sao?
Việc điều trị phải đạt những mục đích như: giảm kích thích của kháng nguyên; ức chế quá trình tự miễn dịch; làm giảm hoặc mất hiện tượng thâm nhiễm các tế bào lympho và tương bào vào tuyến giáp. Các thuốc có thể dùng gồm: glucocorticoid như: prednisolon dùng trong 5 - 7 ngày đầu, sau đó tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng, nếu bướu nhỏ dần, các triệu chứng toàn thân tốt dần lên thì giảm liều xuống, một đợt điều trị kéo dài từ 3 - 6 tuần; hormon tuyến giáp: thyreoidin dùng liều trung bình, kéo dài một vài tháng đến một năm, cần theo dõi sát tình trạng bệnh nhân để tăng hoặc giảm liều cho thích hợp. Phương pháp phẫu thuật được sử dụng điều trị trong các trường hợp: tuyến giáp to chèn ép vào tổ chức xung quanh, rất khó phân biệt giữa bệnh Hashimoto với u tuyến giáp, nghi ngờ kết hợp Hashimoto với adenoma hoặc ung thư tuyến giáp.
Để được tư vấn về các bệnh lý tuyến giáp, vui lòng liên hệ tổng đài: 18006103 (miễn cước cuộc gọi)/ DĐ: 0902207582 (ZALO/VIBER)
Thanh Hòa Theo SKDS