Viêm tuyến giáp sinh mủ hay còn gọi viêm tuyến giáp cấp và viêm tuyến giáp nhiễm trùng rất hiếm gặp do vi khuẩn (đặc biệt Streptococcus, Staphylococcus, Pneumococcus, Salmonella, Klebsiella, Bacteroides, cũng có thể gặp Pallidum, Pasteurella, Multocida, Porphyromonas, Eikenella và lao)
Mầm bệnh có thể đến tuyến giáp bằng đường máu, bạch huyết hoặc trực tiếp từ ổ nhiễm khuẩn lân cận hay vết thương.
Ngoài ra viêm tuyến giáp mủ cũng có thể do các loại nấm như: Coccidioides immitis, Aspergillus, Actinomycosis, Blastomycosis, Candida albicans, Nocardia, Actinobacter baumanii, Cryptococcus và Pneumocystis. Các loại sau thường gặp trên các đối tượng suy giảm miễn dịch như AIDS, ung thư.
Bình thường tuyến giáp được bảo vệ rất an toàn đối với vi khuẩn nhờ hệ thống mạch máu phong phú, lớp vỏ bọc dày, hệ thống hạch lympho và tuyến chứa nhiều iod, hydrogen peroxide. Viêm tuyến giáp sinh mủ thường xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi như có các bất thường bẩm sinh (còn ống giáp lưỡi, rò xoang lê), bệnh lý tuyến giáp có trước (ung thư tuyến giáp, viêm tuyến giáp Hashimoto, bướu đa nhân tuyến giáp), tuổi cao hoặc suy giảm miễn dịch.
Viêm tuyến giáp mủ là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên hiện nay với sự gia tăng các trường hợp suy giảm miễn dịch, bệnh có chiều hướng tăng theo. Viêm tuyến giáp mủ chiếm khoảng 0,1 – 0,7% các bệnh tuyến giáp, tỷ lệ tử vong có thể đến 12% hoặc hơn nếu không điều trị. Nói chung tỷ lệ gặp ở trẻ em nhiều hơn do liên quan đến tình trạng lỗ rò thông từ pyriform sinus, có đến 90% các trường hợp thương tổn phát triển từ thùy trái tuyến giáp. Khoảng 8% gặp ở tuổi trưởng thành (20-40 tuổi), và 92% gặp ở trẻ em.
Ở người suy giảm miễn dịch có thể gặp viêm tuyến giáp do nấm. Có khi viêm tuyến giáp mủ gặp trên trẻ em hóa trị liệu chữa ung thư.
Triệu chứng:
Phần lớn các trường hợp diễn biến xảy ra từ từ, song cũng có trường hợp xảy ra cấp tính với sưng tấy, đỏ một bên vùng trước cổ. Tuyến giáp thường mềm, rất đau. Bệnh nhân thường sốt cao, có thể rét run, tình trạng nhiễm trùng. Hay gặp khó nuốt, khó nói.
Xét nghiệm:
- Công thức máu có bạch cầu tăng cao, đa nhân chiếm ưu thế.
- Tốc độ lắng máu tăng.
- Xạ hình giáp thấy vùng không bắt giữ iod (nhân lạnh).
- Siêu âm tuyến giáp thấy vùng giảm âm trong giai đoạn đầu. Nếu áp xe được thành lập, siêu âm giúp xác định chẩn đoán. Trong giai đoạn lui bệnh do điều trị đáp ứng tốt, siêu âm có thể thấy vùng giáp biến dạng kiểu teo ở vùng thương tổn, túi khí ở mô giáp và sẹo ở mô quanh tuyến giáp.
- Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ rất quan trọng giúp phân biệt viêm tuyến giáp mủ và viêm tuyến giáp bán cấp, chọc hút thấy mủ khẳng định chẩn đoán, xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây bệnh, kháng sinh đồ giúp định hướng kháng sinh điều trị. Chọc hút còn có thể giúp làm giảm sự chèn ép khí quản ở các trường hợp viêm tuyến giáp mủ có làm di lệch khí quản.
- Không có kháng thể.
Điều trị:
- Dùng kháng sinh toàn thân thích hợp dựa trên kháng sinh đồ, nhất là đối với các trường hợp viêm nặng. Khi chưa có kháng sinh đồ có thể lựa chọn kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn vùng khoang miệng như penicillin G liều cao, ampicillin…, có thể kết hợp với metronidazole hoặc clindamycin nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn kỵ khí. Với các nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn nghi ngờ xuất phát từ các ổ nhiễm khuẩn từ xa tới, cần lựa chọn các loại kháng sinh nhạy cảm với tụ cầu kháng kháng sinh, kháng sinh phổ rộng như cephalosporin thế hệ 3…
- Tại chỗ có thể dùng: chườm nóng, chiếu tia cực tím. Nếu sau một tuần dùng kháng sinh tích cực nhưng chọc hút thấy có mủ thì cần phải rạch tháo mủ, dẫn lưu và sau 6-8 tuần tiến hành cắt bỏ thùy viêm.
- Trường hợp viêm tuyến giáp do Candida albican có thể dùng amphotericin B và 5 fluconazol 100 mg/ngày.
- Phẫu thuật lấy lỗ rò sau khi đã điều trị kháng sinh để phòng tái phát.
Để được tư vấn về các bệnh lý tuyến giáp, vui lòng liên hệ tổng đài: 0902207582 (ZALO/VIBER).