Nhiễm độc giáp là biểu hiện lâm sàng của tình trạng thừa hormon tuyến giáp lưu hành trong máu - đó là tăng nồng độ hormone T3, T4 hoặc cả hai trong tuần hoàn. Nhiễm độc giáp ở phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi nếu không được kiểm soát tốt.

Trong thời gian mang thai, có một số thay đổi trong tuyến giáp, như độ cao của thyroxine binding globulin, làm tăng độ thanh iodium trong thận, và kích thích tuyến giáp bằng gonadotropin màng đệm ở người. Cho tới nay, sinh lý bệnh tiềm ẩn sự phát triển của nhiễm độc giáp thoáng qua thai chưa được nhận thức đầy đủ. 

Ngoài nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm độc giáp ở thai phụ là bệnh Basedow (còn gọi là bệnh Graves – một bệnh tự miễn ở tuyến giáp làm tăng sản xuất các nội tiết tố tuyến giáp), còn có một số nguyên nhân khác. Trong thai kỳ, một nội tiết tố do nhau thai tiết ra (gọi là hCG – human chronionic gonadotropin) bắt đầu từ lúc thụ thai, tăng dần để đạt đỉnh vào tuần 12 và sau đó giảm dần. Hormon hCG kích thích nhẹ tuyến giáp và có thể gây nhiễm độc giáp ở mức trung bình và quan trọng là sự hiện diện của hCG trong máu có thể làm thay đổi xét nghiệm chức năng tuyến giáp, bao gồm TSH (Thyroid stimulating hormone – nội tiết tố hướng tuyến giáp) và FT4 (Free T4 – nội tiết tố tuyến giáp T4 dạng tự do) trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Ngoài ra, sự gia tăng hCG có thể liên quan đến tình trạng nhiễm độc giáp thoáng qua trong chứng thai hành. Thai hành là một hội chứng bao gồm buồn nôn, nôn ói quá mức kết hợp với sụt cân hơn 5%. Khoảng 60% thai phụ này có các biểu hiện nhiễm độc giáp từ nhẹ đến vừa.

Cần lưu ý rằng tất cả các trường hợp ở trên (thay đổi xét nghiệm chức năng tuyến giáp, nhiễm độc giáp thoáng qua) thường tự giới hạn trong ba tháng đầu thai kỳ và do vậy rất ít khi cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu các bất thường này vẫn tồn tại sau ba tháng đầu thì thai phụ cần đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán và điều trị.

Nguy cơ đối với mẹ bao gồm các tình trạng tim mạch, huyết áp tăng, tiền sản giật, suy tim ứ huyết và nhất là cơn bão giáp (một tình trạng nặng có thể đe dọa tính mạng, được kích hoạt khi chuyển dạ hoặc sanh). Đối với con, có thể gặp các tình trạng sau: sẩy thai, sanh non, sanh nhẹ cân, chậm phát triển trong tử cung, thai lưu hoặc nhiễm độc giáp thai nhi/sơ sinh.

Khi mang thai, thai phụ cần lưu ý các triệu chứng gợi ý nhiễm độc giáp như: không tăng cân hoặc có khi sụt cân mặc dù ăn uống bình thường hay nhiều hơn; nhịp tim nhanh hơn 100 lần/phút, ngay cả khi nghỉ; hồi hộp, khó tập trung, run tay, căng thẳng, lo âu, mệt mỏi…

Bởi vì các triệu chứng trên có thể gặp ở thai kỳ bình thường, nên việc xác định nhiễm độc giáp trong thai kỳ cũng khó khăn. Tuy nhiên, hai triệu chứng quan trọng rất gợi ý nhiễm độc giáp là tim đập nhanh lúc nghỉ và sụt cân không giải thích được khi mang thai.

Khi quyết định điều trị nhiễm độc giáp ở phụ nữ mang thai, bác sĩ cần cân nhắc tính an toàn cho thai nhi. Các thuốc kháng giáp tổng hợp như propylthiouracil (PTU) hoặc methimazol (MMI) là chọn lựa điều trị đầu tay. Bởi vì PTU qua nhau thai ít hơn MMI nên PTU thường được dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, PTU lại có độc tính trên gan nhiều hơn MMI, do vậy sau 3 tháng đầu thì nên chuyển sang MMI. Một số thuốc (propanolol, metoprolol) có tác dụng giảm triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh có thể dùng ở phụ nữ mang thai có nhiễm độc giáp nhưng nên dùng trong thời gian ngắn.

Bởi vì có thể gây hại cho thai nhi nên điều trị phóng xạ bị chống chỉ định tuyết đối. Cho nên, phẫu thuật là chọn lựa duy nhất khi người mẹ không dung nạp được với thuốc kháng giáp tổng hợp. Tuy nhiên, chính việc phẫu thuật làm tăng khả năng sinh non hoặc sẩy thai cho bà mẹ.

Nếu nhiễm độc giáp được phát hiện và kiểm soát tốt, các bà mẹ sẽ có cuộc vượt cạn an toàn cho bản thân và cho con. Rất hiếm có trường hợp chấm dứt thai kỳ liên quan đến nhiễm độc giáp ngoại trừ tình huống rất đặc biệt

Để được tư vấn về các bệnh lý tuyến giáp, vui lòng liên hệ tổng đài:  0902207582 (ZALO/VIBER).