Hưởng ứng ngày toàn dân sử dụng muối i-ốt 02/11, Ngành Y tế kêu gọi mọi gia đình hãy tích cực sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày để không bị mắc các bệnh rối loạn do thiếu i-ốt gây ra, trong đó có bệnh bướu cổ địa phương.
Ảnh minh họa.
1. Bệnh bướu cổ địa phương là gì?
Bệnh bướu cổ thường xuất hiện tập trung trong những vùng, miền mà ở đó có sự thiếu hụt lượng i-ốt cung cấp cho cơ thể hàng ngày(*)kéo dài, nên còn gọi là bệnh bướu cổ địa phương. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng 200 – 300 triệu người mắc bệnh bướu cổ do thiếu hụt i-ốt. Ở Việt Nam, có khoảng 9 – 10 triệu người sinh sống ở những khu vực miền núi, các vùng cao nguyên là những nơi có tỉ lệ người mắc bệnh bệnh bướu cổ do thiếu hụt i-ốt khá cao, khoảng từ 16,2% – 55,2% dân số; vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có tỉ lệ mắc đến 4%. Tỉnh Ninh Thuận cũng có tỉ lệ mắc bệnh bướu cổ khá cao, sau nhiều năm triển khai Dự án Phòng chống bướu cổ và rối loạn do thiếu i-ốt, đã thanh toán bệnh bướu cổ năm 2006 và tình trạng thiếu i-ốt cũng có chiều hướng giảm dần.
2. Làm sao phát hiện bệnh bướu cổ địa phương do thiếu hụt i-ốt?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh bướu cổ chia làm 4 độ:
Độ IA: Mỗi thùy giáp sờ nắn thấy to hơn đốt 1 ngón tay cái của chính bệnh nhân. Nhìn không thấy bướu cổ khi bệnh nhân ngữa cổ ra sau.
Độ IB: Nhìn thấy bướu cổ khi bệnh nhân ngữa cổ ra sau. Sờ nắn được dễ dàng
Độ II: Bướu cổ nhìn thấy rõ khi bệnh nhân ở gần và tư thế cổ bình thường.
Độ III: Bướu giáp rất lớn, ở xa nhìn thấy rõ. Bướu làm biến dạng cổ
ĐộIV: Bướu rất to
3. Bệnh bướu cổ đơn thuần có ảnh hưởng gì với sức khỏe?
Bệnh bướu cổ làm ảnh hưởng lớn đến vẻ đẹp và cũng có thể gây ra những biến chứng:
- Biến chứng cơ học: Chèn ép các tổ chức chung quanh gây tuần hoàn bàng hệ vùng cổ, khó thở, nói khan hoặc nói khó và chèn ép thực quản gấy khó nuốt.
- Nhiễm khuẩn, chảy máu trong tuyến giáp gây túi máu trong tuyến giáp hoặc bướu giáp nhân. Có thể xuất hiện cường giáp trên bướu giáp lan tỏa có nhiều nhân hoặc suy giáp trên những bướu cổ quá lớn. Biến chứng ung thư tuyến giáp rất hiếm gặp.
4. Nên làm gì khi phát hiện mắc bệnh bướu cổ ?
Bệnh bướu cổ khi còn ở giai đoạn sớm nếu được khám và điều trị đúng sẽ có khả năng bướu nhỏ lại, vì vậy nên đi khám bệnh sớm. Bệnh bướu cổ khi đến giai đoạn muộn, dù điều trị tích cực bướu cũng khó nhỏ lại như ban đầu. Ngoài ra trong những trường hợp bướu chìm không thấy được nhưng gây chèn ép biểu hiện khó thở hoặc khàn tiếng kéo dài thì cũng nên siêu âm tuyến giáp để phát hiện sớm. Khi nghi ngờ mắc bệnh bướu cổ nên đến khoa Nội tiết Trung tâm Y tế Dự phòng để được khám và tư vấn, điều trị sớm.
5. Nguyên nhân nào làm thiếu i-ốt gây ra bệnh bướu cổ địa phương?
- Do trong đất, nuớc, thức ăn hàng ngày ở vùng dân cư sinh sống nghèo i-ốt, trong đó tình trạng phá rừng làm nước mưa cuốn trôi đi nhiều chất đất trong đó có i-ốt làm cho tình trạng đất vùng núi vốn thiếu i-ốt lại càng thêm nghèo i-ốt.
- Ăn ít hải sản: cá biển tươi, tôm, cua, mực, ngao sò ốc, rong biển.
- Tập quán dùng muối thường, không dùng muối i-ốt
6. Phòng bệnh:
- Phòng bệnh bướu giáp địa phương chủ yếu là bổ sung i-ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày như dùng muối i-ốt thay cho muối thường. Những biện pháp bổ sung i-ốt trong nước mắm, dầu, bánh mì… cũng rất tốt nhưng ít phổ biến ở tỉnh ta.
- Cần tiếp tục truyền thông cho các bà nội trợ, trong trường học và cộng đồng những ích lợi của việc dùng muối i-ốt và cách dùng, như: muối i-ốt an toàn cho tất cả mọi người, không làm thay đổi mủi vị thức ăn, nêm vào thức ăn hoặc dùng trong muối dưa, cà, trộn gỏi. Mua muối ở nơi có uy tín, xem kỹ nơi sản xuất, bao bì nguyên vẹn để phòng muối i-ốt giả. Cho muối vào lọ khô có nắp đậy hoặc buột chặt miệng túi sau khi dùng xong, tránh để muối i-ốt nơi quá nóng, nhiều ánh sáng.
- Ăn thức ăn hải sản tùy khả năng: cá biển, sò ốc, mực; rong biển (rong sụn, rau câu, tảo…), các loại rau xanh, rau xà lách xoong, trứng, phủ tạng động vật, sữa hoặc dùng thêm viên tảo có bán không đơn tại các nhà thuốc tây.
(*) Nhu cầu hàng ngày khoảng 200 microgam/ngày.
BS. Nguyễn Năm