Đây là một phương pháp điều trị có hiệu quả, an toàn mà lại rất rẻ, còn được gọi là phương pháp mổ không dao. Nghĩa là, người bệnh chỉ phải uống thuốc hoặc bôi thuốc để tiêu diệt bớt các tế bào tuyến giáp mà không cần mổ, tránh được đau đớn và để lại sẹo.
Chi phí điều trị bằng phương pháp này tại các cơ sở điều trị của Việt Nam như Viện quân y 103, 108, bệnh viện Bạch Mai chỉ vào khoảng từ một đến hai triệu đồng.
Theo GS.TS Bùi Xuân Phách, phương pháp này có hiệu quả cao trong điều trị sau phẫu thuật. I-ốt phóng xạ cho phép tiêu diệt hết những tế bào tuyến giáp còn lại sau giải phẫu. Phương pháp này cũng được ứng dụng trong điều trị các bệnh về mật, thận, xương...
Hiện nay y học hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao tại nhiều nước phát triển. Tại châu Âu và Mỹ, phương pháp điều trị i-ốt phóng xạ là lựa chọn số một trong điều trị các bệnh lý tuyến giáp.
Ảnh minh họa.
Tổ chức y tế thế giới cũng đánh giá phương pháp này là “an toàn, hiệu quả và kinh tế”.
Hiện các bệnh nhân tuyến giáp ở Việt Nam vẫn đang được điều trị bằng ba phương pháp chính là phẫu thuật, dùng thuốc kháng giáp và phương pháp i-ốt phóng xạ 131 (I133). Theo các bác sĩ điều trị, các phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, hoặc kết hợp các phương pháp để cho hiệu quả điều trị cao.
Tại Việt Nam, phương pháp I131 đã được sử dụng để chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh Basedow và ung thư tuyến giáp, song chưa được nhiều người biết đến do lo ngại về khả năng gây ung thư hay các biến chứng về di truyền.
Tuy nhiên, PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó trưởng khoa y học hạt nhân và ung bướu của bệnh viện Bạch Mai khẳng định “việc điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng phương pháp i-ốt phóng xạ không gây ung thư và các đột biến về di truyền”.
Theo những thống kê chưa đầy đủ, cứ 100 nghìn người Việt Nam có từ 1,9 đến 3,9 người mắc ung thư tuyến giáp. Tỷ lệ người bệnh Basedow còn cao hơn gấp nhiều lần. Số phụ nữ mắc các bệnh tuyến giáp cũng cao hơn nam giới.
Xuân Bách - Hồng Vân (Theo Nhân dân News)