Em thường bị triệu chứng tim đập nhanh, thở tức. Lúc còn đi học cấp 3, lúc đá banh hoặc chạy xa thì tim hay đập nhanh, phải ngồi một chỗ khoảng 15-30 phút mới bình thường trở lại. Em có đi siêu âm và làm điện tâm đồ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Bác sĩ chẩn đoán em bị hở 1/3 van 3 lá và bảo không sao, nhưng em cảm thấy dường như mình bị triệu chứng đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Triệu chứng như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của em không thưa bác sĩ? Em nên uống thuốc gì và làm như thế nào để các triệu chứng trên không xuất hiện nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp em!
Trả lời:

Chào bạn! Triệu chứng tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở, nặng ngực… thường là những triệu chứng của bệnh lý tim, van tim, nhưng cũng có thể do những bệnh lý khác gây nên (như cường giáp, thiếu máu, suy nhược cơ thể, rối loạn thần kinh tim, lo lắng…). Tim đập nhanh khi vận động ráng sức là đáp ứng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, có những trường hợp do tim nhạy cảm nên đập nhanh làm ta cảm thấy mệt, nghẹn, đôi khi khó thở dẫn đến lo lắng và sợ hãi.

Bệnh hở van ba lá có thể do bẩm sinh (sinh ra đã có), nhưng thường nguyên nhân mắc phải là do tại van (thủng van, dày dích, xơ van…) hoặc do nguyên nhân ngoài van như bệnh lý động mạch phổi làm tăng áp lực động mạch phổi gây hở van ba lá, dãn thất phải, đứt cơ trụ van ba lá….

Hở van thường chia làm các mức như: 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Hở van từ 1/4 đến 2/4 thường nhẹ. Nhiều người sức khỏe bình thường vẫn có thể bị hở van tim ở mức độ nhẹ, gọi là hở sinh lý, và cũng không điều trị, chỉ theo dõi. Còn nếu bị hở trên 3/4 thường do bệnh lý thì phải điều trị tùy vào nguyên nhân.

Bạn đã đi khám tại những trung tâm y khoa lớn, có uy tín nên theo kết quả chẩn đoán như trên thì độ hở dưới 2/4 và cũng không có tổn thương gì. Vì vậy có thể bạn không bị bệnh lý tim mạch gì cần phải điều trị.

Việc bạn có những triệu chứng trên cần phải được xem lại vì bạn có thể bị cường giao cảm hoặc có bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, thừa cân hay thiếu cân (trong câu hỏi bạn không có đề cập đến số kg cân nặng của bạn hiện nay).

Để cải thiện tình trạng trên, bạn nên tập hít thở chậm & sâu, tập yoga, thiền… Thường xuyên vận động thể thao sẽ giúp bạn đưa cân nặng về mức lý tưởng và giúp tim bớt đập nhanh khi gắng sức. Nếu bệnh vẫn không thuyên giảm thì bạn có thể đi khám lại để tìm những nguyên nhân khác ngoài tim mạch.

Chúc bạn thành công!

Chuyên viên nội tiết.