Tôi năm nay 31 tuổi, tôi bị bướu cổ đã lâu, gần đây tôi đi khám ở bệnh viện nội tiết, làm xét nghiệm tế bào thì bác sĩ kết luận tôi bị bướu giáp nhân thùy và là bướu lành. Tôi đã uống thuốc được 4 tháng, sau đó vì thấy uống thuốc rất mệt nên tôi đã ngừng uống và không đi khám lại nữa. Vậy xin hỏi nếu tôi không uống thuốc nữa thì bệnh có phát triển nặng thêm không và nếu tôi muốn có thai thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Trả lời:

Chào chị! Bướu giáp nhân lành tính (không phải ung thư) có thể điều trị thuốc hoặc phẫu thuật và đôi khi dùng iôt phóng xạ. Cách điều trị bằng uống thuốc (thường dùng là levothyroxin - một hormon của tuyến giáp) có tác dụng làm bướu nhỏ lại và hạn chế tiến triển hoặc xuất hiện thêm các bướu nhân khác.

Biện pháp uống thuốc thường không làm bướu biến mất và bướu thường tiếp tục phát triển trở lại sau khi ngưng thuốc.

Do vậy, biện pháp uống thuốc có hiệu quả trong các trường hợp bướu nhỏ, mới xuất hiện và ở người trẻ. Vì thuốc có một số tác dụng phụ không tốt nên thường không dùng cho người lớn tuổi, có bệnh tim hoặc bị loãng xương và các trường hợp không dung nạp được thuốc (nghĩa là có biểu hiện khó chịu, không chịu được khi uống thuốc).

Trường hợp của chị tuổi còn trẻ, không thấy chị nói có bệnh lý tim mạch và loãng xương nên có thể dùng cách uống thuốc.

Tuy nhiên, nếu chị cảm thấy quá khó chịu khi uống thuốc và đã ngưng thuốc thì cũng nên đi tái khám, nhất là nếu thấy bướu lớn nhanh hoặc có biểu hiện khó chịu tại chỗ như nuốt khó, khàn giọng, khó thở... Có thể bác sĩ sẽ đồng ý cho chị ngưng thuốc hoặc có thể sẽ giảm liều vì chị có biểu hiện không dung nạp thuốc.

Bướu giáp nhân có thể sẽ tiếp tục lớn và nếu lớn nhiều thì nên phẫu thuật. Do vậy, tùy vào kích thước và tốc độ phát triển nhanh hay chậm mà quyết định có nên mổ hay không. Bướu giáp nhân không ảnh hưởng đến thai kỳ và phát triển thai nhi nên chị có thể yên tâm về việc này.

Chúc chị nhiều sức khỏe.

Chuyên viên nội tiết.