Chào bạn! Phụ nữ bị cường năng tuyến giáp (còn gọi là bệnh Graves hay Basedow) thường có kinh ít hay vô kinh. Ngay cả bệnh nhẹ cũng có thể làm cho người phụ nữ khó có thai; bệnh nặng thì khả năng vô sinh càng lớn.
Bệnh cường giáp nếu được kiểm soát tốt thì thai cũng có tiên lượng tốt, nhưng cần đề phòng 3 nguy cơ: thai chết lưu (cần theo dõi chặt 3 tháng cuối), thai bị ngạt sau sinh do bướu tuyến giáp của thai chèn ép đường thở, đầu thai khó lọt khi chuyển dạ, phải mổ. Bệnh nhân mang thai cần được thày thuốc nội tiết và sản khoa phối hợp theo dõi.
Có nhiều phương pháp điều trị cường giáp, việc lựa chọn phụ thuộc vào tuổi, thể tạng và mức độ bệnh:
Iốt đồng vị phóng xạ: Bệnh nhân uống iốt đồng vị phóng xạ, tuyến giáp hấp thụ thuốc và nhỏ lại, các triệu chứng giảm đi (thường sau 2-3 tháng).
Thuốc kháng giáp: Làm giảm dần triệu chứng bằng cách ngăn tuyến giáp tiết ra quá nhiều hoóc môn. Thuốc Tapazole bạn uống thuộc nhóm này. Sau 6-8 tuần, các triệu chứng giảm nhưng vẫn cần điều trị cho tới 1 năm hoặc lâu hơn.
Thuốc chẹn bêta: Làm giảm nhịp tim, giúp phòng tránh triệu chứng đánh trống ngực.
Mổ cắt bỏ tuyến giáp: Áp dụng khi không thể dung nạp thuốc kháng giáp và không muốn dùng iốt đồng vị phóng xạ. Phần lớn tuyến giáp được cắt bỏ, phẫu thuật này có nguy cơ gây tổn thương dây thanh và tuyến cận giáp trạng (giúp kiểm soát nồng độ canxi máu). Sau mổ, bệnh nhân cần điều trị lâu dài với levothyroxine để cung cấp cho cơ thể một lượng bình thường hoóc môn tuyến giáp. Nếu cả tuyến cận giáp trạng cũng bị cắt thì cần dùng thuốc để giữ cho nồng độ canxi trong máu luôn ở mức bình thường.
Chúc bạn và ga đình nhiều sức khỏe.
Chuyên viên nội tiết.